Câu chuyện Chèo bẻo và Ác là

Chèo bẻo và Ác là là câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam, tố cáo những kẻ dùng cường quyền áp bức, bóc lột tầng lớp nhân dân nghèo khổ trong xã hội phong kiến.

Ngày xưa, cứ theo sổ bạ  làng chim, thì Ác là vốn là bậc hương hào  ở trên, oai quyền  hách dịch , còn Chèo bẻo thì chỉ là một cùng đinh  ở mãi dưới, không chút địa vị  nào.

Một hôm Ác là cắt cử Chèo bẻo đi phu đắp đường. Rồi nhân lúc Chèo bẻo đi vắng, Ác là vội lẻn đến nhà Chèo bẻo, ăn hết cả trứng ở trong tổ.

Lúc Chèo bẻo đi đắp đường về, thấy mất trứng, đau đớn quá, kêu hót ầm ĩ.

Sáo bay qua hỏi:

– Làm sao mà bác kêu gào thảm thiết thế?

Chèo bẻo nói:

– Tôi đi phu, ở nhà có kẻ nào đó đã vào ăn trộm hết trứng của tôi rồi.

Sáo nói:

– Hôm nọ, lúc bác đi xa rồi, tôi thấy có Ác là nó vào trong tổ của bác mãi mới ra.

Chèo bẻo nghĩ bụng: “À, thì ra Ác là ác thật! Hắn cắt cử mình đi phu, rồi nhân lúc mình vắng nhà, lẻn vào ăn trứng của mình đi. Thôi, từ giờ phải cẩn thận đề phòng, không lại mắc lừa hắn nữa”.

Nghĩ đoạn, Chèo bẻo xin ra làng và dời tổ đi nơi khác.

Từ đó về sau, Chèo bẻo cứ tìm những ngọn cây cao để làm tổ và không mấy khi rời tổ đi xa nữa.

Hễ thấy Ác là bay qua gần là lũ lượt kéo nhau ra, vừa đánh vừa kêu ầm cả trời.

Truyện ngụ ngôn Chèo bẻo và Ác là – –
Nguồn: Văn học trích giảng lớp 7 phổ thông, trang 69, NXB Giáo dục – 1973

Thế giới truyện ngụ ngôn
Chú thích trong truyện Chèo bẻo và Ác là

Sổ bạ: sổ sách về ruộng đát của chính quyền phong kiến ở nông thôn.

Hương hào: kẻ có thế lực, có chức vụ trong làng (cũ).

Oai quyền: quyền hành làm cho người khác phải sợ, ra oai với người dưới.

Hách dịch: tỏ vẻ bề trên có quyền hành bằng cử chỉ hoặc lời nói.

Cùng đinh: hạng người ở tầng lớp nghèo khổ nhất trong xã hội dưới thời phong kiến.

Địa vị: ngôi thứ.

Giới thiệu về chim Chèo bẻo và Ác là
Truyện Chèo bẻo và Ác là
Chim Chèo bẻo là chim gì?

Chim Chèo bẻo có tên khoa học là Dicrurus macrocercus, có mỏ và đuôi dài với bộ lông màu đen óng ả. Khi đến tuổi trưởng thành, đuổi của chũng sẽ có hai sợi dài ra hơn so với những sợi còn lại trông rất đẹp mắt, tạo nên đặc điểm riêng của mình.

Chèo bẻo sinh sản vào dịp cuối xuân cho đến gần hết thu . Mỗi lứa từ ba đến bốn trứng . Cũng có khi đến năm trứng. Trứng của chèo bẻo to gần bằng trứng chim sáo, màu xanh ghi hoặc màu ghi trắng tùy từng loại.

Ngoài ra, loại chim này rất hiếu chiến.Tuy rằng sở hữu một thân mình khá nhỏ bé hơn so với các loại chim săn mồi lớn, nhưng không vì như thế mà làm chúng sợ. Ngược lại, chúng thường có thói quen cưỡi trên lưng những con chim lớn như đại bàng, diều hâu,…

Tác giả dân gian đã rất tinh tế khi quan sát trong tự nhiên, qua đó xây dựng lên câu chuyện Chèo bẻo và Ác là, nhằm giải thích tính cách hung dữ của loài chim này.

Câu chuyện Chèo bẻo và Ác là
Chim Ác là là chim gì?

Chim Ác là ở Việt Nam có tên khoa học là Pica serica, thuộc họ Quạ. Đầu, cổ và ngực có màu đen bóng với ánh lục và tím kim loại, bụng và vai màu trắng.

Ác là có tiếng kêu khàn khà và to khiến cho chúng khó có thể bị nhầm lẫn với các loài khác. Trong những khu vực nông thôn thưa thớt cây cối, Ác là thường gây chú ý do chúng thường bay theo nhóm và kêu ríu rít khi chúng bay ngang qua.

Chim Ác là là phổ biến trong văn hóa dân gian châu Âu, với nhiều điều mê tín, gắn liền với bất hạnh và phiền muộn. Chẳng hạn tại Scotland, Ác là gần cửa sổ của nhà là điềm báo trước cái chết, còn trong văn hóa dân gian Đức thì Ác là được nhìn nhận như là kẻ trộm.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc và Trung Quốc, Ác là lại được coi là dấu hiệu của sự may mắn. Tên của nó trong tiếng Trung là hỉ thước, nghĩa là con chim báo điềm lành.

Truyện ngụ ngôn về loài vật

Đăng ngày: bởi

https://danhngon.net/wp-content/uploads/2020/12/truyen-ngu-ngon.jpg vi 2020-12-07T11:27:56+07:00 DanhNgon.Net